Nhiều người đưa ra một loạt giải pháp để không cần cấm xe máy mà tự khắc mọi người bỏ xe và đường giảm ùn tắc.
Bạn dinhnam nêu hàng loạt vấn đề mà chỉ cần TP làm được tốt thì không cần cấm xe máy, người dân cũng tự khắc bỏ.
Cụ thể, nâng cấp tuyến đi bộ, đi xe đạp, trồng nhiều cây xanh che nắng; tại các vị trí đón xe công cộng phải có chỗ gửi xe đạp, xe máy; phân luồng các làn đường ô tô, xe buýt, xe máy, xe đạp; lắp camera an ninh quản lí xe vi phạm và xử lý triệt để...
Bạn đọc nickname amatuer cũng đặt một loạt câu hỏi: "Hà Nội đã có vỉa hè cho người đi bộ chưa; phương tiện công cộng có đủ đáp ứng; khi nào di dời trường học, khu dân cư ra ngoại ô các TP; khi nào thì đóng cửa các nhà máy sản xuất xe máy?...".
Theo bạn dinhnam, để người dân không đi xe máy nữa thì cấm xe không phải phương án tối ưu, mà độ thuận tiện cho người đi bộ, xe đạp, phương tiện công cộng mới là cách giải quyết tốt.
Cảnh tắc đường ngộp thở trên đường Xã Đàn, quận Đống Đa ngày giáp Tết nguyên đán Kỷ Hợi
Bạn Hiếu nêu quan điểm: "Không cấm được xe máy thì sẽ không thể có đô thị hiện đại và văn minh, sẽ mãi chỉ là nhếch nhác và tuỳ tiện. Tôi ủng hộ, trước hết cấm các tuyến phố chính để xe buýt tăng tuyến, gây sự bất tiện cho người đi xe máy thì họ dần khắc bỏ. Chúng ta không cấm tất cả mà cấm những tuyến huyết mạch để phương tiện công cộng đi nhanh hơn, tăng tuyến lên là chắc chắn được".Bạn đọc Trung gợi ý: "Theo tôi không nên cấm bất cứ phương tiện gì, để mọi người tự do đi lại, giải quyết công việc. Nhà nước cứ thu phí chỗ đỗ xe công cộng và các tòa nhà nội thành cao lên là mọi việc được tốt đẹp. Ví dụ: gửi xe máy 50.000/h; ô tô 200.000/h. Thu phí đăng ký kinh doanh và văn phòng làm việc của doanh nghiệp tại các quận nội thành 300 - 500 triệu/năm...".
Tuy nhiên, bạn Nam Nguyen Hoai cũng chỉ ra bất cập: Ai chả thích ngồi xe buýt nếu nó đi đúng giờ, đúng tuyến, thuận lợi cho người đi. Khổ nỗi chả phải thế. Cần đến nơi làm việc đúng giờ, đợi xe ở trạm, nó có đến đúng giờ đâu? Có khi nó chạy qua, chả cho mình lên, chạy luôn. Có ai thích đợi xe buýt lâu không? Nói đi bộ, bí lắm người ta phải chịu, đi 1-2km còn được, chứ thử đi 3-4km trở lên hàng ngày xem?
Vẫn chuyện quy hoạch
Một ý kiến không mới nhưng được rất nhiều bạn đọc đề cập là bài toán quy hoạch. Bạn Văn Tuấn chỉ rõ, cần chuyển ngay các trường đại học, bệnh viện lớn ra khỏi nội thành; không xây thêm chung cư cao tầng trong nội đô.
Theo độc giả Iu Iu, gốc rễ vấn đề nằm ở việc mất kiểm soát tình trạng dân nhập cư. Số lượng dân nhập cư ở Hà Nội là quá lớn, do đó cơ sở hạ tầng bị quá tải, không đủ để đáp ứng nhu cầu đi lại. Tắc đường là tất yếu.
Tương tự, bạn NT Trần góp ý: "Trước hết là quy hoạch lại đô thị, đường thông hè thoáng, không cho đăng kí xe máy để hạn chế dần. Phát triển thêm hệ thống xe buýt, tàu điện. Dần dần mới cấm được.
Nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông, không chen lấn nhau. Ở nước ngoài tôi đi bộ sang đường thấy ô tô lại gần tôi ra dấu cho họ qua trước, nhưng họ không chịu, nhất quyết tôi phải qua đường trước rồi họ mới đi. Văn hóa này khi nào người Việt mình mới có?"
Theo bạn Tavanhau: "Bây giờ mà cấm xây chung cư trong TP, di chuyển trường đại học, bệnh viện sang các huyện lân cận, ban đầu người dân thấy bất tiện nhưng chỉ 2, 3 năm sẽ quen. Chưa kể khi đó các cơ sở hạ tầng công trình công cộng sẽ xuất hiện rất nhiều!".
Mơ Hà Nội thông thoáng
Cho rằng ở các nước phát triển, người dân không ngại đi bộ và rất có ý thức bảo vệ môi trường, bạn Shady171 khẳng định: "Các bạn đừng thắc mắc nữa, cấm xe máy là quyết định rất hợp lý. Nếu không cấm xe máy thì tôi tin chả mấy ai đi phương tiện công cộng làm gì, kiểu gì cũng nghĩ đi xe máy cho tiện".
Trả lời nhiều ý kiến bạn đọc băn khoăn vì không có vỉa hè thì lối nào cho đi bộ, bạn Trong viết: "Hàng quán vỉa hè chủ yếu bán cho những người tiện lợi đi xe máy, rẽ cái là mua được. Khi cấm xe máy, hàng quán ế ẩm sẽ tự dẹp".
Bạn FanJun cũng bày tỏ: "Cấm xe máy là đúng. Ý thức của những người kém nên mới phản đối vì họ lạng lách các kiểu. Ô tô to chiếm diện tích hơn nhưng không lạng lách nhiều như xe máy. Xe máy nêm đủ kiểu. Bỏ xe máy thì hết lấn vỉa hè, hết lao xe lên, vỉa hè khắc rộng hơn. Giao thông công cộng dần hoàn thiện. Mà người dân lười thì khắc dậy sớm, 7h làm mà 6 rưỡi mới dậy vội vàng thì sao không phản đối chứ. Đó là lười!"
Bạn Nông dân mong mỏi: "Không làm thì sẽ chẳng bao giờ làm được cái gì. Nhìn sang các nước thấy thành phố họ đẹp, thoáng là vì họ dám làm. Cứ cấm đi, khắc sẽ có chỗ đi bộ cho mọi người".
Nhà tài trợ
Đánh giá nhanh ISUZU NPR400 MÀU XANH BIỂN ĐỘC QUYỀN
Theo Vietnamnet.vn